Cuộc đời Dịch Hân

Thời Đạo Quang và Hàm Phong

Ông từ nhỏ được Sư phó Trác Bỉnh Điềm (卓秉恬) chỉ dạy, được nhận định thông minh hiếu học. Đạo Quang Đế lúc sinh thời khi lựa chọn Trữ quân, luôn do dự không biết nên chọn Hoàng tứ tử Dịch Trữ (奕詝) hay chọn ông.

Năm Đạo Quang thứ 26 (1846), Đạo Quang Đế quyết định chọn Hoàng tứ tử Dịch Trữ làm Trữ quân, lại hạ lệnh vào năm Đạo Quang thứ 29 (1849), nếu sinh mẫu của ông là Tĩnh Quý phi không may qua đời, thì chỉ cần táng vào trong Phi viên tẩm, không được sửa đổi, ngầm định việc ông tranh đoạt Trữ vị thất bại.

Năm Đạo Quang thứ 30 (1850), theo di chiếu của Đạo Quang Đế, ông được phong làm Cung Thân vương (恭亲王) và được ban cho Cung Vương phủ (phủ đệ của Hòa Thân lúc trước) làm phủ đệ.

Vào thời Hàm Phong, vì mẹ con ông giả mạo chỉ dụ của Hàm Phong Đế, phong sinh mẫu của ông là Khang Từ Hoàng thái hậu (康慈皇太后), là việc coi thường Hoàng đế nên Hàm Phong Đế vô cùng tức giận. Từ đó ông không được Hoàng huynh trọng dụng nữa, chỉ có thể làm chức Quân cơ đại thần trong khoảng thời gian 1853 - 1855.

Thời Đồng Trị và Quang Tự

Năm Hàm Phong thứ 10 (1860), ông nhận lệnh làm Khâm sai đại thần (钦差大臣), ở lại Bắc Kinh kí kết "Điều ước Bắc Kinh" (北京条约) sau khi nhà Thanh thất bại trong cuộc chiến tranh với liên quân Anh - Pháp.

Năm Hàm Phong thứ 11 (1861), Hàm Phong Đế băng hà, ông cùng Từ An Thái hậuTừ Hi Thái hậu phát động "Tân Dậu chính biến" (辛酉政变), đoạt lại quyền hành từ tay Cố mệnh Bát đại thần. Sau khi chính biến thành công, ông được phong làm Chính sự vương đại thần (议政王大臣).

Từ năm Hàm Phong thứ 11 (1861) đến năm Quang Tự thứ 10 (1884), ông đảm nhiệm chức Lĩnh ban Quân cơ đại thần (領班軍機大臣) kiêm Bộ Ngoại giao đại thần (理衙门大臣), quyền hành thực sự to lớn. Năm Đồng Trị thứ 4 (1865), ông bị buộc tội nhận hối lộ, lại bị Từ Hi Thái hậu nghi kị nên ông bị bãi chức Chính sự vương đại thần, nhưng quyền hành vẫn được giữ nguyên.

Năm Đồng Trị thứ 8 (1869), nhân việc ông ủng hộ Từ An Thái hậu xử trảm An Đức Hải (安德海), nên mâu thuẫn giữa ông và Từ Hi Thái hậu ngày càng gay gắt. Năm Đồng Trị thứ 12 (1873), Đồng Trị Đế muốn tu sửa Viên Minh Viên, nhưng lại bị ông can ngăn, nên Đồng Trị Đế oán hận, đuổi ông khỏi triều đình.

Cuối đời

Năm Quang Tự thứ 10 (1884), Chiến tranh Trung - Pháp bùng nổ, ông lãnh đạo Quân cơ xứ và quân đội nhà Thanh chiến đấu. Sau cùng thất bại, ông bị Từ Hi Thái hậu bãi hết chức vụ, lệnh ở phủ đệ an dưỡng, đồng thời Từ Hi Thái hậu lệnh Lễ Thân vương Thế Đạc (世鐸), Thuần Thân vương Dịch Hoàn (奕譞) thay thế ông nhậm chức Quân cơ đại thần. Những vị đại thần ủng hộ ông như Võ Anh điện Đại học sĩ Bảo Vân (宝鋆), Lại bộ Thượng thư Lý Hồng Tảo (李鸿藻), Binh bộ Thượng thư Cảnh Liêm (景廉), Công bộ Thượng thư Ông Đồng Hòa (翁同龢) đều bị cách chức.

Lúc cuối đời, ông thường hay giao du với người Tây dương ở chùa Tĩnh Tu (寺静修). Mãi đến năm Quang Tự thứ 20 (1894), sau khi Chiến tranh Giáp Ngọ thất bại, ông lại được đề bạt trở lại triều đình. Nhưng vì ông tuổi già, lại không còn ý chí chính sự, nên ông từ chối. Từ năm Quang Tự thứ 20 (1894) đến khi ông qua đời, ông được thụ tước Lĩnh ban Quân cơ đại thần kiêm Bộ Ngoại giao đại thần.

Dịch Hân là người theo chủ nghĩa Dương vụ, cùng với Tăng Quốc Phiên (曾国藩), Tả Tông Đường (左宗棠), Lý Hồng Chương (李鸿章) phát động phong trào Dương vụ, giao lưu với phương Tây, trấn áp Thái Bình Thiên Quốc (太平天国), được xưng là Hiền vương (賢王).